Lưu ngay cách làm củ kiệu ngâm mắm đường giòn ngon đậm đà

Củ kiệu ngâm nước mắm đường không chỉ là một món ăn truyền thống quen thuộc của ẩm thực 3 miền mà còn là một phần không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết Cổ truyền Việt Nam. Nếu bạn muốn biết cách làm củ kiệu ngâm nước mắm đường tại nhà trọn vị chua ngọt, giòn ngon thì hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Chuẩn bị nguyên liệu

Để làm món củ kiệu ngâm mắm đường, ngoài củ kiệu thì bạn chỉ cần chuẩn bị những nguyên liệu đơn giản mà hầu như nhà nào cũng có sẵn. Các nguyên liệu gồm có:

  • Kiệu: nên chọn những củ có phần thân nở, rễ nhiều, lá mảnh, eo thon và đuôi nối liền thân, có vị hăng nồng. Để hũ kiệu ngâm đẹp mắt, bạn nên chọn những củ kiệu có kích thước vừa phải và đều nhau. Tránh chọn mua những củ kiệu có phần thân bị mềm, trầy xước hay dập nát.
  • Cà rốt: không bắt buộc cà rốt phải bỏ theo tỉ lệ nào bởi cà rốt chỉ có tác dụng thêm màu sắc cho hũ kiệu ngâm thêm bắt mắt. Nên chọn cà rốt tươi, chắc, màu sắc đậm, không chọn những củ đã héo hoặc dập úng, sâu,… vì sẽ làm ảnh hưởng đến mùi vị của kiệu.  
  • Mắm: vì nước mắm ảnh hưởng trực tiếp đến hương vị của kiệu nên cần chọn loại nước mắm ngon, không có tạp chất hoặc chất phụ gia.
  • Đường: Dùng đường thốt nốt để kiệu vừa có vị ngọt thanh tự nhiên, vừa tốt cho sức khỏe. Nếu không có thì vẫn có thể dùng đường cát thay thế.
  • Muối: Vừa dùng để rửa kiệu vì tác dụng diệt khuẩn và làm kiệu bớt hăng, vừa làm gia vị tạo độ mặn cho món kiệu ngâm.
  • Giấm: để kiệu giòn và thơm hơn thì nên dùng giấm nuôi (nếu có). Giấm sẽ tạo vị chua và độ giòn cho món kiệu thêm hấp dẫn.

nguyên liệu làm củ kiệu ngâm mắm đường

Sơ chế nguyên liệu

Trước tiên cần rửa kiệu cho trôi hết bùn đất. Sau đó cắt rễ, lá và lột bỏ lớp vỏ già bên ngoài, chỉ lấy phần đầu trắng non. Khi cắt rễ lưu ý không nên cắt quá phạm vào củ kiệu vì sẽ làm kiệu mất độ giòn khi ngâm và dễ bị úng.

Để củ kiệu bớt hăng, sau khi cắt và rửa sạch, nên ngâm vào nước muối loãng qua đêm. Một số nơi sẽ thay muối bằng tro để ngâm kiệu với tác dụng tương tự.

sơ chế nguyên liệu làm củ kiệu ngâm mắm đường

Sau khi ngâm xong, rửa lại kiệu với nước sạch rồi mang đi phơi nắng. Chỉ nên phơi cho kiệu săn lại, không nên phơi quá nhiều hoặc phơi dưới nắng quá gắt sẽ khiến kiệu mất mùi thơm và không được giòn. 

Cà rốt cần cạo sạch lớp vỏ, rửa lại với nước sạch rồi cắt tạo hình tùy thích, có thể cắt khoanh tròn dày khoảng 0,5cm hoặc cắt dạng thanh dài khoảng 5cm. Sau đó ngâm với nước muối khoảng 4 – 5 phút (có rửa chung với nước muối ngâm kiệu).

Ngâm củ kiệu

Trước tiên bạn cần nấu mắm đường ngâm kiệu. Cho nước mắm, đường, muối, giấm vào nồi rồi nấu sôi, đến khi đường tan hoàn toàn thì tắt bếp để nguội. 

Hũ thủy tinh dùng để ngâm kiệu cần được rửa sạch và tráng nước sôi trước khi bỏ kiệu vào để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn, giúp kiệu ngâm để được lâu hơn. 

Xếp kiệu vào hũ rồi cho hỗn hợp mắm đường đã nguội đến xâm xấp mặt kiệu. Đậy kín rồi để nơi thoáng mát khoảng 3-5 ngày là đã có thể thưởng thức. 

Củ kiệu ngâm mắm đường đạt chuẩn sẽ có hương thơm đặc trưng của nước mắm, củ kiệu giòn lẫn chút vị hăng, cay đặc trưng và hài hòa vị mặn ngọt chua.

cách làm củ kiệu ngâm mắm đường

Vậy là đã hoàn thành món củ kiệu ngâm mắm đường đầy đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, gói gọn hương vị truyền thống. Hãy bắt tay vào bếp làm ngay món ăn siêu nịnh vị giác này để gia đình cùng thưởng thức nhé!

>> Nguồn tham khảo: https://giavichinsu.com/cach-lam-cu-kieu-ngam-nuoc-mam-duong.html

Bài cùng chuyên mục